Chợ tết từ lâu đã được xem là một phần vô cùng quan trọng trong văn hóa của người Việt Nam mỗi độ tết đến xuân về.
Bỏ lại những sự xô bồ, ồn ã của những phiên chợ ngày thường, chợ Tết thường mang đến một không khí thật nhộn nhịp và đa sắc hơn, không chỉ là nơi giao thương buôn bán giữa người mua người bán mà chợ Tết còn gói gọn cả những háo hức, mong mỏi, hy vọng về một năm mới no đủ, vui vẻ, hạnh phúc tràn đầy.
Những phiên chợ tết kéo những người trưởng thành về với những ký ức xa cũ, những phiên chợ quê đậm hương vị Tết cổ truyền. Với sự phát triển nhanh chóng của xã hội, sự hiện đại hoá, nâng cấp từ những khu chợ thành những trung tâm thương mại, siêu thị ngày càng phổ biến hơn, thì chợ Tết – một phần không thể thay thế trong cuộc sống, đây cũng chính là một tấm vé để trở về tuổi thơ, về với những cái Tết quê nghèo, nhưng luôn tràn ngập, rộn rã tiếng nói cười, âm thanh của tình làng nghĩa xóm, của niềm vui sum họp, của những ký ức đi chợ cùng bố mẹ, cùng ông bà.
Các phiên chợ tết bắt đầu được mở từ sau ngày 23 tháng Chạp ( ngày Ông Công ông Táo) kéo dài đến chiều 30 Tết. Chợ tết xưa dù ở đâu cũng luôn mang một không khí rộn ràng, vui tươi, tấp nập. Vì vậy những người mua kẻ bán ai cũng cởi mở hơn, mang nhiều ước vọng và việc dạo chợ tết còn mang đến niềm vui, háo hức một năm mới hanh thông. Người người trao nhau nụ cười, lời chào mời niềm nở, kéo mọi người xích lại gần nhau hơn.
Mẹ thường bảo, chợ Tết còn mang ý nghĩa rất đặc biệt, bởi xưa nay, người bán thường quan niệm, dù nhiều hay ít, đắt hay rẻ cũng không quá quan trọng, bởi họ muốn bán nhanh để lấy may cho việc làm ăn. Ngược lại, người đi chợ cũng luôn mong muốn mang về cái lộc đầu năm, sự may mắn suôn sẻ cho một năm mới nên việc mua bán cũng bớt sân si hơn.
Dọc theo suốt chiều dài lịch sử, chợ tết xưa và nay đã có nhiều đổi mới, khác biệt.
Vào khoảng mấy chục năm trở về trước, khi kinh tế Việt Nam còn nhiều khó khăn, ngày tết được xem là một ngày vô cùng thiêng liêng, trọng đại, để chuẩn bị cho những ngày đầu xuân năm mới, ông bà cha mẹ thường phải dành dụm, tích cóp cả năm trời để dành cho việc mua sắm Tết, thậm chí việc mua sắm tết còn được chuẩn bị trước rất sớm. Sau 15 tháng 12 có nhiều gia đình đã chuẩn bị đồ đạc để đón Tết. Trước 23 tháng Chạp, các bà các mẹ đã lo đi chợ sắm sửa thức ăn, vàng mã để cúng. Cũng từ đây các phiên chợ tết của tết xưa bắt đầu. Người ta mua sắm từ những ngày này cho đến tận đêm 30 tết. Các công việc làm tết cũng từ đó mà trở nên nhiều hơn.
Vì quan niệm ngày đầu năm không được mua sắm, không chi tiêu đến tiền bạc kẻo sợ dông, thậm chí có nhiều món đồ còn bị kiêng cữ đến hết tháng giêng. Nên việc mua sắm cái gì, mua bao nhiêu để đủ dùng là việc được tính toán rất kĩ lưỡng. Thậm chí nhiều người còn cầm sẵn giấy viết chi tiết những thứ cần mua để tránh mua thiếu sót, đầu năm như thế là không may.
Ngày nay, đi cùng với sự phát triển về kinh tế, chợ tết bắt đầu muộn hơn, ít náo nhiệt hơn Trái với tết xưa, tết nay bắt đầu có phần khá muộn, thường sau khoảng 23-25 tháng 12 âm mới có những phiên chợ Tết họp chợ. Phần vì do tính chất công việc, không có nhiều thời gian để đi sắm tết. Phần vì nguồn cung thực phẩm tết hiện nay khá dồi dào, đầy đủ hơn, tâm lý sợ hết hàng cũng giảm bớt. Do thế nên người ta thường trì hoãn việc mua sắm tết. Thông thường các món hàng như quà cáp, đồ hiếm thì mới phải mua sớm để còn dễ dàng sắp xếp.
Còn lại những thứ như nhu yếu phẩm, vật dụng trang trí tết, thậm chí là bánh mứt,… thì phải sau 25 – 26 Tết người ta mới mua. Cảnh tượng lo lắng chuẩn bị mua sắm cho tết trước cả tháng trời giờ đây gần như không còn xuất hiện nữa.
Các mặt hàng giờ đây được sản xuất rất đa dạng, bao gồm vô vàn thể loại cho ta lựa chọn theo từng phân khúc: hàng nội địa, hàng nhập khẩu…. Song song với đó, sự bùng nổ một vài năm trở lại đây của ngành thương mại điện tử – mua sắm online cũng giúp ích rất nhiều trong việc mua sắm thay cho chợ tết truyền thống. Chỉ cần vài thao tác chọn đơn giản, sẽ có người mang đến tận nhà cho bạn. Chính vì sự tiện lợi ấy mà ngày ngày càng có nhiều người quyết định dành thời gian cho công việc thay vì dành thời gian ra ngoài mua sắm. Điều này phần nào khiến chợ tết không còn sôi động như xưa. Niềm hào hứng mua sắm tết vơi dần Ngày tết hiện đại dần dần không còn thiêng liêng như ý nghĩa ban đầu nó vốn có, đặc biệt là đối với giới trẻ.
Khi mà cuộc sống có nhiều áp lực nặng nề hơn đang đặt lên trên đôi vai họ. Điều này làm cho việc chuẩn bị tết cũng không còn quá trau chuốt, cầu kỳ. Người trẻ ngày nay đã bớt dần những khoản chi phí mà họ cảm thấy không cần thiết để mua sắm ở chợ tết. Thêm vào đó, ngày nay việc mua sắm thường ngày đã quá phổ biến. Trong năm, hầu như ai cũng mua đủ các món đồ mới cho mình và gia đình. Nên việc mua đồ mới cho ngày tết dần trở nên bình thường, không có sức hút như ngày xưa. Trẻ con bây giờ đã không còn xa lạ với đồ mới, bánh kẹo cũng luôn đủ đầy, lại ít khi tiếp xúc với không khí chợ tết. Đây cũng là điều dễ hiểu khiến trẻ con ngày nay không mặn mà với tết như trẻ con xưa. Mỗi thời đại đều có những ưu, khuyết điểm của nó. Và ngày tết cũng vậy, thời nào cũng có đặc trưng chợ tết riêng.
Nhiều người cứ nói Tết nay “nhạt” lắm, chẳng còn háo hức và mong ngóng như xưa. Tết đến kéo theo cả núi việc phải làm, kéo theo cả những câu hỏi không muốn phải trả lời… có khiến bạn – một người trẻ sợ Tết? Điều gì đã xảy ra với bạn từ một đứa trẻ đếm từng ngày tới Tết cho tới phiên bản hiện tại? Cuối năm rồi, dành một khoảng lặng và xem Tết xưa – Tết nay đã thay đổi thế nào…
Chuyện sắm Tết
Cứ tháng giáp Tết, dọc mọi con đường từ miền quê đến thành phố đều tấp nập dòng người ngược xuôi lo sắm Tết. Từ nhành đào, chậu mai, chậu quất đến từng chiếc lá dong bánh tẻ kèm xấp lạt để gói bánh chưng.
Tết xưa, ai ai cũng hối hả chen nhau giữa các chợ để tỉ mẩn chọn cho mình được cành đào nhiều nụ nhiều lộc nhất. Mọi thứ cho Tết đều có thể mua được ở chợ và chỉ có thể mua được ở chợ. Cũng vì thế mà chợ Tết xưa là cái gì đó hừng hực, náo nức và lắng đọng thật lâu trong ký ức mỗi người. Tết cổ truyền xưa luôn níu chân người ta lâu hơn ngoài phố để hối hả chọn được những thứ ngon nhất, đẹp nhất về trưng Tết, để cả gia đình có đón ngày đầu năm mới tươm tất nhất có thể. Bạn dù giờ đã lớn hơn hay già đi, chợ Tết chắc chắn vẫn ở nguyên đó trong tâm trí, đúng không nào?
Tết nay, chuyện sắm Tết đã khác, có khi ngồi tại nhà, lên các sàn thương mại điện tử, các cửa hàng online đặt mua đồ người ta cũng chuyển đến tận nhà. Dẫu vậy, trong mỗi nhà, vẫn không thể thiếu được cành mai, cành đào hay chậu quất. Có chăng, người ta thích chơi thêm những chậu bonsai, những loài hoa đắt đỏ như địa lan, quýt cảnh, mơ trắng hoặc đào rừng. Có thể nói cây hay hoa là những gạch nối không thể thiếu giữa Tết xưa và nay.
Tết xưa, đám trẻ con háo hức ngồi xem ông và bố, xem bà và mẹ gói bánh chưng, tối trông nồi bánh chưng trên bếp lửa tiện thể lùi vài củ khoai ăn chống đói. Xưa kia, ngay từ đầu năm, mỗi nhà gom góp nuôi một con lợn để ăn Tết.
Cuối năm, những người trong họ quây quần, đụng lợn làm giò chả để đón Tết. Ngày nay, chẳng phải gần Tết mới có bánh chưng, bánh tét, những loại bánh này đã phổ biến trong đời sống hằng ngày hơn rất nhiều.
Tết nay, các trung tâm thương mại, siêu thị và nhiều cửa hàng tạp hóa mọc lên khắp nơi, người dân không phải chen chúc, có thể thoải mái mua nhiều mặt hàng khác nhau về ăn Tết. Tết nay, gói bánh chưng hay bánh tét cốt chỉ để có không khí Tết, chứ cũng không câu nệ bắt buộc. Nhiều nhà neo người, không có điều kiện gói bánh, gói bánh, nên họ đã tiết giản bằng cách đặt mua vài cái bánh chưng, có khi ăn cả Tết còn không hết. Bây giờ, bánh chưng, bánh tét bán quanh năm, mua lúc nào cũng có. Khi xưa, thịt lợn, thịt gà đều quý, chỉ dành dụm đến Tết mới có, chẳng dễ mà ngày dưng có để ăn.
Tết xưa, chiều tối ngày 30 Tết, nhà nào cũng chuẩn bị nấu lấy một vài nồi lá mùi hoặc hương nhu để tắm “tẩy uế”, lấy thơm, coi như đó là một cách loại bỏ những điều cũ kỹ và xui rủi trong năm cũ, ướp mình bằng hương thơm tự nhiên để đón năm mới tốt lành.
Nhưng ngày nay, người ta dùng sáp thơm và nước hoa cho tiện dụng và nhanh chóng. Cũng còn những nhà thực hiện phong tục cổ truyền này. Tuy vậy, bóng dáng những gánh mùi già vẫn còn phảng phất hương thơm những sáng 30 Tết ở các con phố, các chợ dân sinh cuối năm dành cho những ai vẫn còn nhung nhớ đến phong tục “ướp hương” cổ truyền này vậy.
Với cá nhân tôi, thấy hương nước mùi chính là thấy Tết, chính là bắt đầu nghỉ Tết.
Nhiều người cho rằng, phải chăng sự thiếu thốn, không được đủ đầy trong Tết xưa khiến người ta cảm thấy ấm lòng và nhung nhớ hơn giữa những sơn hào hải vị, của ngon vật lạ đầy đủ của Tết nay?
Sự thay đổi của cuộc sống kéo theo sự thay đổi dòng chảy của văn hóa. Cuộc sống hiện đại nhiều áp lực căng thẳng và giới trẻ ngày nay cũng lựa chọn một lối sống hiện đại, mới mẻ – sống cho riêng mình nhiều hơn. Nhiều người cố tìm kiếm một cái Tết thảnh thơi, cố gắng “làm ngơ” trước những âu lo, bộn bề và bận rộn của ngày Tết. Bởi cuộc sống hiện đại, kỷ nguyên công nghệ số càng khiến người ta nhiều lo toan, tất bật nên không còn nhiều thời gian chuẩn bị đón Tết.
Ở góc độ thực tế hơn, một bộ phận không nhỏ người trẻ và người lao động ngày nay “sợ” Tết bởi gánh nặng mưu sinh đè lên vai cùng với những thay đổi chóng mặt của thị trường. Thêm vào đó, cuộc sống có phần đề cao vật chất và áp lực tâm lý về vấn đề hôn nhân như đến tuổi lấy chồng, lương cao hay thấp,… khiến nhiều người còn cảm thấy e ngại, không dám về quê ăn Tết.
Nhưng, nhìn lại mới thấy, Tết Nguyên Đán chưa bao giờ mất đi ý nghĩa vốn có, có chăng thời đại làm cho những ý nghĩa ấy biến đổi đi, ở một dạng thù hình khác. Dù cách đón Tết mỗi thời đại có khác nhau, nhưng mỗi người chúng ta đều hướng vọng về những ngày Tết là tình thân gia đình, có thể ở bên cạnh nhau, đoàn tụ sau một năm dài xa cách, quây quần cùng đón khoảnh khắc sang năm mới, đó chẳng phải là điều ý nghĩa nhất hay sao?
Vậy theo bạn, bạn thích tết xưa hay tết nay?
___________________________________________
Hiện tại, Học Viện Phong Thủy Minh Việt tuyển sinh liên tục các khóa học:
▪️ Kinh Dịch
▪️ Phong Thủy Nhà Cửa, Phong Thủy Âm Trạch
▪️ Kỳ Môn Độn Giáp
▪️ Bát Tự
▪️ Nhân Tướng học
▪️ Thần Số học
▪️ Xem ngày Tốt Xấu
Ứng Dụng Vật Phẩm Phong Thủy Cải Biến Vận Mệnh
▪️ Chuyên gia Phong Thủy, Đào tạo hành Nghề Phong Thủy Cấp Tốc
▪️ Và các khóa học theo yêu cầu, tư vấn phong thủy cho cá nhân, doanh nghiệp…
—
Master Nguyễn Tuấn Cường
Thành viên Ban Lãnh Đạo của Viện Nghiên cứu những bí ẩn Vũ trụ và Văn hóa phương Đông.
Cố vấn phong thủy cho các thành viên cấp cao:
▪️ Trung Ương Hội Kỷ Lục Gia Việt Nam
▪️ Viện Ứng Dụng Sức Khỏe Bách Niên Trường Thọ Richs Việt Nam
▪️ Tổ Chức Niên Lịch và Thành Tựu Việt Nam
▪️ Tổ Chức Kỷ Lục Người Việt Toàn Cầu
Sáng lập và điều hành Học Viện Phong Thủy Minh Việt (Học Viện Phong Thủy Nam Việt cũ)
—
Hotline: 0973 065 391
Website: https://phongthuyminhviet.com/
Youtube: https://www.youtube.com/hocvienphongthuyminhviet
Tiktok: https://www.tiktok.com/@mastertuancuong/